Tháng 7 – Mùa Vu Lan Báo Hiếu Lại Về

Đăng bởi KỲ LÂN LUXURY vào lúc 17/08/2021

Một mùa Vu Lan nữa lại về, chưa bao giờ cái cảm xúc yêu thương và tình mẫu tử nó lại thiêng liêng và dâng trào mãnh liệt đến thế. Lẽ ra, như mọi năm những ngày này tất cả chúng ta – những người con người cháu một lòng hướng về quê nhà, nơi có những người thân yêu, có bố mẹ đang tảo tần sớm hôm, nơi có tổ tiên dòng họ. Và cũng hơn bao giờ hết, lúc này chỉ muốn chạy về nhà gọi một tiếng “Mẹ”, tiếng “Cha” rồi xà vào lòng mà ôm cho thỏa cái nỗi nhớ mong bao ngày xa cách, rồi cho trọn đạo chữ “Hiếu” làm con sau những công ơn sinh thành, dưỡng giục mà cha mẹ đã cả đời dành cho con. “Nếu ai đó đã nhiều lần lỡ hẹn với Mẹ, thì tháng Bảy chính là dịp thích hợp nhất để làm thắm đượm thêm tình Mẫu Tử”. 

Nhưng tháng 7 (Âm lịch) năm nay đã khác rồi, Sài Gòn miền Nam khác nhiều lắm mẹ ah, sẽ không còn hình ảnh của những người xách balo ngồi trên những chuyến tàu, chuyến xe háo hức sắp được về nhà với cha mẹ trong mùa Vu lan báo hiếu nữa. Cũng chẳng thấy đâu các bạn trẻ nô nức chuẩn bị cho mình một chiếc áo nâu sòng, cũng không thấy những cô chú dù lớn tuổi cũng nghẹn ngào “cô vào chùa để cầu siêu cho mẹ và cầu an cho cha” cháu ah. Rồi cũng chẳng thấy được hình ảnh dòng người nô nức cài bông hoa hồng đỏ trên ngực áo, cầm những đóa sen trong màu áo tràm lam để dâng hương, lễ Phật,… 

“Những ngày tháng Bảy âm lịch, hơi ấm mùa Vu lan toả khắp lòng người trên đất nước Việt Nam, nó len lỏi trên những góc phố im ắng và lạnh lẽo của Sài Gòn, rồi lại chen chúc một cách mạnh mẽ vào trái tim mỏng manh của ta, như để nhắc nhở ta về cái “đạo” làm con muôn đời phải ghi nhớ. Để khi ngồi xuống và suy tư, những dòng tản mạn chất đầy nỗi niềm của những người con xa quê, mới chợt nhận ra rằng: Mùa Vu Lan báo hiếu năm nay, có một tình yêu bao la và rộng lớn đến vô cùng, có một tinh thần đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau lại cao cả và nhân văn đến như vậy. Và tình yêu của những người con bé nhỏ nơi đất khách quê người cũng đã hòa quyện và cộng hưởng vào tình yêu quê hương, đất nước rồi mẹ ạ”.

Có lẽ, khi hòa vào cái chung của tinh thần văn hóa Dân tộc, khi chúng ta phải cùng nhau một lòng để chiến đấu với cơn ‘đại dịch covid” lần này, thì khi đứng trước cửa Phật, giữa con người với nhau đã chẳng còn cái sự phân biệt đẳng cấp giàu – nghèo và nghành nghề sang - hèn, cũng không cho phép tồn tại sự phân biệt vùng miền nữa. Mà tất cả chúng ta đều là những người con của bố mẹ "Con dù lớn vẫn là con của Mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con", là người Phật tử một lòng hướng đạo, vừa là để thành tâm cầu bình an cho đấng sinh thành, vừa là tâm ý nguyện cầu cho Sài Gòn và các tỉnh phía Nam nói riêng, cũng như đất nước Việt Nam và thế giới nói chung chiến thắng được dịch bệnh, con người sớm trở về với cuộc sống thường ngày.

 “ Đã hơn 3 tháng trôi qua rồi, kể từ ngày Sài Gòn bùng dịch trở lại, người dân đã sống và thực hiện theo chỉ thị cùng những quy định phòng chống dịch một cách nghiêm túc. Nhưng mẹ biết không? Dịch bệnh lần này nguy hiểm và khôn lường đến không ngờ, nó gây ra nhiều mảnh đời cơ cực và bất hạnh, nên không chỉ có con đâu mà rất rất nhiều người nữa đang cùng nhau đoàn kết, vững tâm và một lòng một dạ sắt son cùng với Đảng và Nhà nước chiến đấu hết mình, để chúng ta lại được sống những tháng ngày an nhiên và hạnh phúc, các con lại được về với bố mẹ mà sum họp một nhà". 

Còn nữa mẹ ơi, giữa những ngày của tháng 7 – mùa Vu Lan và mùa Xá tội vong nhân, ở Sài Gòn xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp và ý nghĩa lắm, đẹp đến nghẹn lòng vì những suất cơm 0 đồng, vì những chuyến xe tải chở hàng nghìn tấn lương thực – thực phẩm từ các tỉnh thành hướng về miền Nam ruột thị và thành phố mang tên Bác đó mẹ,… còn nhiều lắm mẹ ah!. Nhưng sau những bỡ ngỡ, hoang mang và chứng kiến tình yêu của mọi người, để rồi lúc này con đã hiểu rằng: Với bố mẹ, giữ trọn "đạo làm con" là trách nhiệm thiêng liêng và chân phương nhất mà con may mắn có được; nhưng với cộng đồng và xã hội, với quê hương và đất nước, thì trên “đạo làm con” là trách nhiệm “đạo làm người” mà con phải thực hiện, tuy nhiên trong đó có cả đạo làm con mà con đã dành cho mẹ rồi. 

Tháng 7 năm nay, dù con không ở bên cạnh mẹ được, nấu cho mẹ những bữa cơm có các món mẹ thích, con cũng chẳng thể vào chùa để dâng sớ cầu an, cúi lạy trước đức Phật từ bi để cầu cho cha mẹ được muôn đời bình an. Con chỉ có thể gửi nhiều chút yêu thương, nhiều chút mạnh khỏe và nhiều chút nhớ mẹ về nhà qua sự đồng điệu và những giao cảm tình yêu của mẹ con mình dành cho nhau mà thôi. Con cũng chỉ có thể chân thành niệm Phật trong tâm, rồi gửi lời cầu nguyện đó đến Đức Phật Thích Ca mà cầu mong bốn chữ  “bình an và mạnh khỏe” một đời cho cha mẹ. Nhưng con tin rằng: Với bất kỳ người cha người mẹ nào trên thế giới này cũng chỉ cần các con các cháu ở nơi xa ấy vẫn luôn mạnh khỏe, luôn được an toàn và bình an trong cơn đại dịch đang hoành hành, sẽ luôn mạnh mẽ và nghị lực để chiến đấu với những khó khăn trước mắt. Đó chính là món quà “vô giá” và “thiêng liêng” nhất mà mẹ muốn nhận được phải không mẹ?".
 


Đó phải chăng là tiếng lòng, là nỗi niềm của những người con xa quê, là lời tha thiết nguyện cầu của rất nhiều người hiện nay đang bị kẹt ở Sài Gòn và miền Nam mà không thể về? Chắc chắn trong chúng ta không ai không thấy hình ảnh của mình ở trong đó cả. Còn gì tuyệt vời hơn khi được về với mẹ để ấp ủ yêu thương, có gì ý nghĩa hơn khi được gửi chút thành tâm đến cửa Phật và an toàn hơn nữa là được trở về trong vòng tay mẹ mà gói gắm chút bình yên, dù chỉ là cơm cháo qua ngày. Hơn tất thảy, Kỳ Lân Luxury thấu hiểu được những khát khao và nguyện vọng đó, bởi với người làm chủ thương hiệu Kỳ Lân cùng những người cộng sự cũng đang lâng lâng cảm xúc khi ngày Lễ Vu Lan đã đến rất gần, mùa báo hiếu đang lan tỏa trên khắp các nẻo đường đất nước. Nhưng cuối cùng chúng ta chỉ có thể gửi tình yêu của mình cho mẹ vào những trang nhật ký, gắn kết sự yêu thương đó vào tình yêu với Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… Để khi đại dịch qua đi, đất nước yên bình trở lại, ta sẽ lại được về với mẹ thôi mà!

“Trích dẫn nguồn gốc ra đời của Lễ Vu Lan và ý nghĩa nhân sinh”

Vu Lan tháng bảy hàng năm
Nhớ về tích cũ xa xăm một thời
Dân gian kể rõ từng lời
Mục Liên hiếu tử rạng ngời nhân sinh

Nếu là một người con của Phật, sẽ không thể không biết đến sự tích Mục Liên báo hiếu cứu mẹ. Ngày lễ Vu Lan ra đời dựa theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên (là một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca), với lòng đại hiếu và tình yêu cao cả, ông đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ đọa đầy. Với ý nghĩa sâu sắc là dịp để những người con, người cháu trong gia đình thể hiện lòng hiếu thảo, đền đáp công ơn sinh thành của mẹ cha, ông bà và lòng kính nhớ tổ tiên, phát huy truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

Trong kinh Vu Lan, sau khi tu luyện thành đệ tử của Phật, Mục Kiền Liên nhớ đến mẹ là bà Thanh Đề đã qua đời, nên ông đã dùng mắt phép để tìm bà khắp thế gian. Nhưng khi chứng kiến cảnh mẹ bị đày thành Ngạ quỷ (quỷ đói) và bị những cơn đói khát hành hạ, vì những việc ác trong các kiếp luân hồi của bà. Đau lòng vì thương mẹ bị đày đọa, ông đã trở lại nhân gian bới một chén cơm dâng lên mẹ, nhưng than ôi! cay đắng làm sao khi “Chén cơm hóa lửa phừng phừng thành than”.

Quá kinh hoàng và đau đớn tột độ, Mục Liên đã cầu cứu lên Phật Tổ!

Con quỳ lạy Phật Thích-Ca
Chứng minh đệ tử tên là Mục-Liên
Lòng con mộ đạo tu hiền
Xuất gia theo Phật cầu nguyền hôm nay
…………………………………………………………
Thấy vong mẹ khổ muôn ngàn
Ốm gầy đói khát trong đàng quỉ ma
Mục-Liên kêu mẹ khóc la
Đau lòng thương mẹ đọa sa

Lúc này, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ, chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được.

Thích - Ca đức Phật phân qua
Mẹ ngươi tội nặng sâu xa nghiệp hành
Ta truyền cứu - tế pháp lành
Cần cầu tăng chúng tịnh thanh chú nguyền

Theo như lời Phật dặn dò, thì ngày rằm tháng bảy chính là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Phật cũng dạy thêm rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Theo lời Phật dạy, Mục Thanh Đề đã cứu được mẹ mình và từ đó ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời, và ngày 15/7 hàng năm chính là ngày trùng với ngày Xá tội vong nhân. Giờ đây lễ Vu Lan đã không chỉ là ngày lễ của Phật Giáo, mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam, trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc ta.

 

Ở Việt Nam ta, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức bông hồng cài áo. Một bông hồng đỏ dành cho những ai may mắn còn cha mẹ, còn một bông hồng trắng cho những người có cha mẹ đã đi vào cõi luân hồi. Các tu sĩ mượn thân cha mẹ để phổ độ chúng sinh, họ cài bông hồng màu vàng để thể hiện lý tưởng nhân sinh này. Vì vậy, với tất cả chúng ta Ai còn Mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn trên mắt mẹ nghe không?
 

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Kỳ Lân Luxury
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn
zalo