Chùa Tường Nguyên – Bếp lửa than hồng ấm nồng nghĩa tình mùa Covid

Đăng bởi KỲ LÂN LUXURY vào lúc 20/08/2021

Chùa Tường Nguyên và những suất cơm nghĩa tình đồng hành cùng Sài Gòn chống dịch

Là một người dân đang sinh sống tại quận 4, nên cứ đến ngày rằm mồng 1 và 15 hàng tháng tôi thường ghé chùa Tường Nguyên (Tường Nguyên Thiền Tự), để thắp nén hương niệm Phật, hay dâng sớ cầu an và cầu những điều tốt lành cho mình, đặc biệt là cho người thân trong gia đình. Ngôi chùa này nhỏ thôi, có ở địa chỉ 243A/46/9 Hoàng Diệu - Phường 8 - Quận 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cứ mỗi chiều về độ 18h00 đã có rất nhiều Phật tử có mặt ở chùa trong màu áo chàm lam để tụng kinh niệm Phật. Đặc biệt, chỉ còn 2 ngày nữa là đến rằm tháng 7 mùa Vu Lan báo hiếu, nhưng năm nay không chỉ riêng Sài Gòn, miền Nam mà hầu như cả nước ta đang phải chung tay chống dịch vì tình hình dịch bệnh covid ngày càng căng thẳng. Nên tất cả mọi người chỉ có thể ở yên trong nhà theo chỉ thị 16 của nhà nước, việc đến chùa lúc này là điều không thể nữa, cứ ở đâu thì ở yên đó cũng là cách để chúng ta góp một phần vào cuộc chiến quan trọng này rồi phải không?

 

Tranh thủ thời gian nghỉ trưa trong giờ làm việc, tản mạn về những bài tin tức về Sài Gòn và Việt Nam ta mùa giãn cách xã hội như thế nào. Thì đâu đó, những bài viết được cập nhật mỗi ngày như: Hôm nay, thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu bệnh nhân được xuất viện, khu vực nào ở quận mấy được gỡ phong tỏa, rồi hình ảnh của những chiếc xe tải chở hàng nghìn tấn lương thực – thực phẩm từ các tỉnh miền Trung chia sẻ đến thành phố mang tên Bác, Bình Dương và Đồng Nai; rồi hình ảnh của các nghệ sỹ Quyền Linh, MC Đại Nghĩa, hay ca sỹ Phương Thanh,… không quản ngại nắng mưa và nguy hiểm trao những hộp cơm ấm lòng đến những người dân khó khăn,…

Sự yêu thương, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau được lan tỏa khắp phố phường, trên từng góc phố và qua từng con hẻm; là chút gia vị ấm áp nhỏ nhoi và đáng quý biết bao trong thời điểm này. Rồi chợt ngập ngừng nhận ra hình ảnh ngôi chùa thân quen trong một bài viết “Nhà chùa ở TP.HCM chi 200 triệu đồng mỗi ngày nấu suất ăn miễn phí”, đây chẳng phải là chùa Tường Nguyên Thiền Tự hay sao? 

Tiếp tục tìm hiểu thêm về các bài tin có liên quan đến ngôi chùa này, thì Kỳ Lân Luxury còn khám phá được nhiều thông tin ý nghĩa mà chùa Tường Nguyên đang đồng hành hỗ trợ cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch. Đã gần 3 tháng qua, kể từ ngày thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện lệnh giãn cách xã hội, thì nhà chùa đã cùng hơn 100 tình nguyện viên và các Phật tử của chùa chung tay dựng lều dã chiến, cùng nhau nấu các suất cơm miễn phí gửi đến những người nghèo và các y tá, bác sĩ đang ngày đêm chăm sóc và chữa trị cho các bệnh nhân.   

Gian bếp có diện tích rộng đến 6.000m2, nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Điều đáng nói ở đây, gian bếp chính là nơi tập trung của mọi người, để đảm bảo gian bếp luôn đỏ lửa mang đến hàng nghìn suất ăn mỗi ngày cho các khu cách ly và bệnh viện trên địa bàn thành phố. Với Kỳ Lân, đó chẳng phải là ngọn lửa của niềm tin và ánh sáng nguyện cầu ngày mai thôi Sài Gòn và dân tộc ta, rồi thế giới sẽ chiến thắng đại dịch, là ngọn lửa thắp lên sự đoàn kết và ấm lòng của tình người trong hiểm nguy? 

Sư thầy Thích Minh Phú có chia sẻ rằng: Trước đây bếp thiện nguyện định kỳ mỗi tháng nấu cơm gửi tặng bệnh nhân khó khăn. Nhưng từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, bếp ăn đã chuyển sang hỗ trợ cho các khu vực cách ly và bệnh viện. Trung bình mỗi ngày bếp nấu 15.000 - 20.000 suất ăn. Thầy cho biết thêm, trước nay bếp chỉ nấu các món chay, tuy nhiên trong thời gian này người nhận chủ yếu là các bác sỹ và y tá tuyến đầu chống dịch và các bệnh nhân, nên bếp phải nấu thêm món mặn để mọi người có thêm dưỡng chất. Thực tế, mỗi ngày bếp thiện nguyện chi hơn 200 triệu đồng để mua lương thực và thực phẩm. Trung bình một ngày, nhà chùa sẽ nấu khoảng 2 tấn gạo và 1,5 tấn rau. Đến lúc cao điểm, thì bếp nấu thêm 26.000 suất ăn mỗi ngày để phục vụ cho các đơn vị trên toàn thành phố.

Đối với các tình nguyện viên và Phật tử, mỗi ngày họ sẽ thức dậy từ 3h30 sáng để chuẩn bị sơ chế nguyên liệu rồi bắt tay vào nấu nướng đến 11h30. Còn buổi chiều thì thời gian bắt đầu từ 14h00 và kết thúc trước 17h00. Trong đó, có anh Trí (Ninh Thuận) khi biết chùa Tường Nguyên có kế hoạch đồng hành cũng thành phố chống dịch, anh đã xách balo đến bếp ở lại suốt thời gian qua để góp sức vào những bữa ăn nghĩa tính. Hay anh Trần Hữu Danh (24 tuổi, quê ở Tiền Giang) cũng tâm sự mình đã tham gia được gần 40 ngày, trước đó, anh làm đầu bếp tại một nhà hàng ở quận Gò Vấp: “Thay vì về quê, tôi quyết định tham gia làm việc thiện cùng anh em, góp một phần sức lực hỗ trợ thành phố chống dịch”.

Thầy Thích Minh Phú chia sẻ: "Còn sức khỏe thì chúng tôi vẫn giúp người dân". Để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn trong quá trình thiện nguyên, cũng như giúp bếp ăn có thể hoạt động lâu dài, tất cả các tình nguyện viên đều được xét nghiệm nhanh nCoV đều đặn 3 ngày/lần và xét nghiệm PCR 5 ngày/lần. Công tác này do Bệnh viện Bình Dân phụ trách và hỗ trợ nhóm thiện nguyện. Đặc biệt, khu vực bếp ăn đã được khoanh vùng xanh, không ca nhiễm covid. Các tình nguyện viên và nhân viên của hội thiện nguyện đều ở lại bếp ăn trong suốt thời gian làm việc, bằng việc dựng lều dã chiến được dựng trong khuôn viên bếp để làm nơi nghỉ ngơi. Mặc dù điều kiện sinh hoạt hạn chế, nhưng tất cả các thành viên cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa khi được góp sức hỗ trợ cộng đồng và xã hội. 

Hàng ngày, vào 11h30  và 17h00, xe của các đơn vị nhận hỗ trợ như Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, các khu cách ly và xóm lao động lần lượt đến bếp để nhận các suất ăn đã đăng ký. Sau 80 ngày hoạt động, bếp thiện nguyện đã hỗ trợ được hơn 1,2 triệu suất ăn. Ngoài ra, nhà chùa còn thực hiện chương trình tặng máy thở, xe cứu thương cho các bệnh viện.

Thiết nghĩ, mỗi một hành động đẹp dù là bé nhỏ trong thời điểm này thôi cũng đã có ý nghĩa lớn lao lắm rồi; hay dù chỉ là những gói mỳ tôm, vỉ trứng rồi đến bó rau, ký gạo,… mà sao lại thấy ấm áp và giá trị đến vô cùng. Chưa bao giờ tình người lại trỗi dậy mãnh liệt đến thế, cũng hơn lúc nào tinh thần dân tộc và truyền thống tương thân tương ái của đất nước ta lại sôi sục đến vậy. Toàn thể cán bộ và nhân viên Kỳ Lân Luxury biết ơn và trân trọng những đóng góp đó, biết ơn và cảm động sâu sắc đến tất cả các tình nguyện viên, các Phật tử và các sư Thầy đã ngày đêm “giữ lửa bếp than hồng” để hun khói lên những suất cơm ấm lòng người chiến sỹ áo trắng,… 

Đây chính là nguồn động lực, là tinh thần thép để chủ thương hiệu Kỳ Lân là anh Nguyễn Lân cùng những người cộng sự của mình cũng đã và đang có những chuyến công tác thiện nguyện hết sức ý nghĩa. Vì vậy, tôi và chúng ta hãy giữ vững một niềm tin son sắt để cùng với Đảng và Nhà Nước, rồi cùng thành phố Hồ Chí Minh và nhân dân ba miền Bắc – Trung – Nam đánh bại được dịch bệnh, sớm ngày trở lại cuộc sống bình an, để hân hoan chào mừng ngày Đại lễ 2/9, để ta lại một lòng về chùa Tường Nguyên thắp nén hương mà thành tâm bái Phật, để mùa Lễ Vu Lan năm sau được vun đắp vẹn tròn.


•     
 

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Kỳ Lân Luxury
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn
zalo